fbpx

Những thói quen xấu này sẽ khiến bạn mau lão hóa và ra đi sớm hơn

Tránh những thói quen xấu này nếu bạn muốn ngăn ngừa lão hóa và sống thọ

Mục tiêu của chống lão hóa không chỉ bao gồm tăng tuổi thọ, sống lâu hơn mà còn là duy trì một lối sống lành mạnh trong thời gian dài. Stephen Anton, tiến sĩ tại Viện Lão khoa trực thuộc Đại học Y Florida cho biết, sức khỏe, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc được đặt lên trên tuổi thọ.
Theo tiến sĩ Stephen, một số thói quen nhất định có thể làm giảm tuổi thọ của chúng ta và tránh những điều này sẽ giúp bạn sống lâu hơn. Mặc dù yếu tố di truyền góp phần đẩy nhanh quá trình sự lão hóa, lối sống cũng rất quan trọng.

Dưới đây là tổng hợp một số thói quen xấu mọi người cần tránh để hạn chế quá trình lão hóa của cơ thể:

Ngồi nhiều

Ít vận độngl là một trong những yếu tố góp phần dẫn tới bệnh tật. Tuy vậy, nhiều người nghĩ rằng việc làm này sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu họ tập thể dục vào ban ngày.
Tiến sĩ Stephen giải thích, vận động một lúc không thể cứu vãn khoảng thời gian ngồi 16 tiếng mỗi ngày. Nói cách khác, thói quen này vẫn ảnh hưởng tới sức khỏe, dù bạn có tập thể dục hay không.
Cách khắc phục hiệu quả và dễ dàng nhất là đứng lên hoặc đi lại vài phút sau mỗi tiếng. Đồng thời, bạn cũng đừng bỏ qua việc tập thể dục, yếu tố quan trọng nhất giúp chống lão hóa. Carolyn Kaloostian, chuyên gia y khoa tại Trung tâm Keck Medicine of USC ở Los Angeles khuyên, đi bộ thường xuyên giúp duy trì khả năng phục hồi của cơ thể, từ đó làm chậm quá trình lão hóa.

Tiêu thụ nhiều muối

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người Mỹ thường hấp thụ quá nhiều natri, trung bình 3400mg mỗi ngày, trong khi mức khuyến nghị là 2300mg. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thói quen ăn nhà hàng, dùng thực phẩm đã qua chế biến.
Do đó, theo chuyên gia Carolyn, hãy giảm hàm lượng natri trong thức ăn bằng cách nấu ăn tại nhà. Điều này cũng đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh mãn tính như cao huyết áp và bệnh tim.

Tránh ăn rau

Hạn chế đưa rau xanh vào thực đơn hàng ngày sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Theo Kimberly Gomer, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Longevity Pritikin + Spa ở Miami, nền tảng của sức khỏe là thực phẩm chúng ta ăn mỗi ngày. Sau khi thay đổi chế độ dinh dưỡng, không ít người sẽ nhận thấy bản thân trẻ lại rất nhiều.
Chế độ ăn dựa trên thực vật sẽ cung cấp một lượng lớn chất xơ, chất dinh dưỡng tốt cho tim mạch, giúp kiểm soát insulin, chống ung thư và các vitamin, khoáng chất chống viêm khác. Hơn nữa, tiêu thụ nhiều rau xanh còn giúp bạn loại bỏ thực phẩm đã qua chế biến, chứa nhiều đường, muối và chất béo ra khỏi chế độ ăn hàng ngày.

Thức khuya và ăn khuya

Tiến sĩ Stephen cho biết, giấc ngủ phục hồi tâm trí và cơ thể bằng cách kích thích các tế bào tự sửa chữa. Điều quan trọng để sở hữu một cơ thể khỏe mạnh là cân bằng ba yếu tố: Ăn uống, hoạt động thể chất và nghỉ ngơi.
Chuyên gia Kimberly khuyến nghị, hãy chợp mắt ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để cảm thấy thoải mái sau khi thức dậy.
Đồng thời, tránh hấp thụ nhiều calo, chất béo và đường quá gần giờ đi ngủ. Thói quen này còn làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng tới hoạt động của tế bào. Quá trình loại bỏ chất độc hại và tự sửa chữa bị giảm đi sẽ thúc đẩy cơ thể lão hóa.

Uống nhiều rượu

Uống quá nhiều rượu có tác động đáng kể đến quá trình lão hóa. Thói quen này ảnh hưởng đến dinh dưỡng, gây thiếu hụt thiamine (vitamin B1) và các chất khác có lợi cho sức khỏe não, tim mạch.
Hơn nữa, đồ uống có cồn còn góp phần phá hủy gan, tủy xương bằng độc tố, gây hại cho các cơ quan và hệ miễn dịch trên cơ thể. Do đó, CDC đưa ra khuyến nghị phụ nữ chỉ nên uống tối đa một ly rượu mỗi ngày, con số này là hai ly với nam giới.