Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng – silent killer” vì bệnh thường không có triệu chứng, người bệnh được chẩn đoán tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Việc không biểu hiện triệu chứng làm cho bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, điều này để lại nhiều hậu quả đáng tiếc khi biến chứng đã âm thầm diễn ra mà mọi người vẫn còn chưa hay biết gì
BIẾN CHỨNG TỬ VONG Ở NGƯỜI BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP
• Suy tim: Suy tim là một tình trạng mà trong đó tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, đồng thời bị sung huyết ở phổi (nếu suy tim trái), và ứ dịch ở gan, bụng, chân (nếu suy tim phải). Khi suy tim bệnh nhân sẽ mệt, khó thở. Tùy theo mức độ nặng của suy tim mà bệnh nhân có thể bị khó thở khi gắng sức, khỏ thở kịch phát về đêm, hoặc khó thở thường xuyên. Trong cơn suy tim cấp bệnh nhân có thể bị phù phổi cấp với triệu chứng khó thở kịch phát kèm ho ra máu và rất dễ bị tử vong.
• Thiếu máu cơ tim và Nhồi máu cơ tim: Tăng huyết áp lâu ngày làm xơ cứng các mạch máu, kèm với tình trạng rối loạn chuyển hóa mợ sẽ tạo thành các mãng xơ vữa gây hẹp các động mạch nuôi tim lúc đó bệnh nhân sẽ bị thiếu máu cơ tim với các cơn đau thắt ngực khi gắng sức. Khi lòng động mạch vành (động mạch trong tim) bị bít tắc hoàn toàn bởi mãng xơ vữa sẽ gây nến biến chứng nhồi máu cơ tim. Người bị nhồi máu cơ tim có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời tại các bệnh viện có chuyên khoa chuyên sâu về tim mạch.
• Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não: Là khi mạch máu nuôi não bị bít tắc bởi mãng xơ vữa (nhủn não), hoặc bị vỡ (xuất huyết não). Độ quỵt cũng có nguy cơ tử vong cao hoặc tàn phế suốt đời.
• Suy thận: Tăng huyết áp làm tăng áp lực cầu thận, lâu ngày gây nên bệnh thận mạn do tăng huyết áp, và cuối cùng là suy thận.
• Bệnh mắt: Các mạch máu trong mắt vỡ hoặc chảy máu. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi về thị lực hoặc thậm chí là mù lòa.
• Gây chứng chuột rút (bệnh động mạch ngoại biên): Nếu không điều trị tăng huyết áp liên tục có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tứ chi. Nó có thể thu hẹp và làm cứng các mạch máu của chân dẫn đến một bệnh lý gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh động mạch ngoại biên có thể ảnh hưởng đến việc lưu thông máu ở chân và gây ra chứng chuột rút rất đau đớn, còn gọi là triệu chứng đi cách hồi.
• Ảnh hưởng đến thai kỳ: Phụ nữ bị huyết áp cao khi mang thai có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai từ đó làm giảm nồng độ ôxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc thai nhi có thể tăng trưởng chậm, làm cân nặng khi sinh của bé thấp. Nguy hiểm nhất đối với người cao huyết áp khi mang thai là hội chứng tiền sản giật, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và em bé khi sinh. Theo một nghiên cứu, huyết áp cao khi mang thai có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ tới 40%.
• Tăng huyết áp ảnh hưởng đến giấc ngủ: Tăng huyết áp và giấc ngủ có mối liên hệ qua lại với nhau. Theo nghiên cứu, những người có huyết áp cao có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ đó là khi hơi thở ngắt quãng trong khi ngủ dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn và trở nên mệt mỏi vào sáng hôm sau. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nếu bị ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng góp phần làm tăng nặng bệnh huyết áp kể cả khi người bệnh dùng thuốc chống tăng huyết áp.
• Xương: Huyết áp cao có thể gây ra các bất thường về chuyển hóa canxi. Theo các nghiên cứu, huyết áp cao làm tăng đào thải canxi của cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi. Mất canxi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mẩt xương hoặc gãy xương do loãng xương.